Đó là kết luận của TS Phan Minh Tân – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM trong buổi họp báo thông báo về kết quả nghiên cứu “Xác định nguyên nhân gây cháy xe gắn máy” vừa diễn ra ngày 17/5 tại TPHCM.
Nguyên nhân cháy xe gắn máy được công bố trong buổi họp báo chiều 17/5
Xăng kém chất lượng làm hỏng ống dẫn, rò rỉ xăng
Đề tài nghiên cứu trên do Sở KHCN TPHCM đặt hàng, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (thuộc Đại học Bách khoa TPHCM) thực hiện từ tháng 1/2012 đến nay.
Hai vấn đề chính được nhóm nghiên cứu chọn lựa để tập trung nghiên cứu là ảnh hưởng của nhiên liệu xăng và ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật đến sự hình thành nguy cơ cháy xe.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một chiếc xe Airblade hoàn toàn mới làm đối tượng thực nghiệm, sử dụng nhiều loại xăng khác nhau đang lưu thông trên thị trường là xăng RON 83, 92, 95 và các loại xăng pha chế với hàm lượng methanol, ethanol, aceton khác nhau.
Sau 4 tháng thực hiện nhiều thực nghiệm theo các hướng khác nhau, hai đơn vị nghiên cứu trên đã thống nhất kết luận về nguyên nhân cháy xe. Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có sự tự cháy nổ của nhiên liệu khi có mặt của methanol, ethanol và aceton khi không có nguồn nhiệt lớn. Yếu tố dẫn điện của nhiên liệu gây ra hiện tượng chập mạch là không xảy ra.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thực hiện đề tài này thì sự có mặt của methanol, aceton và ngay cả ethanol với hàm lượng lớn sẽ là nguyên nhân gián tiếp gây ra nguy cơ cháy. Nguyên nhân là khi xe gắn máy sử dụng xăng với hàm lượng methanol, aceton hoặc ethanol cao thì nhiên liệu này làm phân hủy các ống dẫn nhiên liệu, qua thời gian sẽ làm các ống nhiên liệu bị giản nỡ, xơ cứng và rò rỉ nhiên liệu. Khi lượng nhiên liệu rò rỉ này gặp nguồn nhiệt lớn sẽ gây cháy xe.
Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm để xác định xem khi sử dụng xăng pha nhiều methanol, ethanol thì có khu vực nào của xe tăng nhiệt độ cao hay không? Và kết quả thí nghiệm cho thấy việc sử dụng xăng pha methanol hoặc ethanol kém chất lượng sẽ gây ra các vùng nóng cục bộ một số vị trí trên thân xe như bình xăng, khoang chứa đồ… Việc này làm tăng nguy cơ cháy khi nhiên liệu bị rò rỉ.
Thậm chí là xăng pha nhiều các chất phụ gia trên có thể làm tăng nhiệt độ thùng xăng, đến một mức nào đó thì xăng hóa hơi trong bình xăng hoàn toàn có thể tự cháy trong thùng xăng.
Xăng "dỏm" là nghi can chính gây cháy xe vì nó làm hỏng ống dẫn nhiên liệu, tăng độ nóng một số bộ phận trên xe, tăng nguy cơ cháy xe (ảnh: Thanh Trầm)
Số vụ cháy xe tăng theo sản lượng methanol nhập khẩu
Theo một hướng nghiên cứu khác, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu cho biết là nhóm nghiên cứu nghi ngờ chất lượng xăng gây cháy xe sau quá trình phân tích tình hình nhiên liệu xăng tại Việt Nam thời điểm 2010 – 2011.
TS Huỳnh Quyền cho biết: “Tại Việt Nam, tình trạng cháy xe diễn ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, các vụ cháy xe chỉ được các cơ quan thông tin đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Từ năm 2010 – 2011, số lượng vụ cháy tăng đột biến, theo thống kê có khoảng 324 vụ cháy nổ ô tô và xe gắn máy được ghi nhận trên toàn quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2012, số vụ cháy xe theo thống kê từ các nguồn báo đài trên cả nước là khoảng 79 vụ và vẫn còn diễn biến phức tạp”.
Phân tích tình hình nhiên liệu xăng tại Việt Nam thời điểm 2010 – 2011, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng: trong giai đoạn này, giá thành xăng trên thế giới cao hơn so với Việt Nam. Do vậy, việc kinh doanh xăng dầu mà một sản lượng lớn phải nhập khẩu, trong giai đoạn này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, nhóm nghiên cứu nhận định việc các đơn vị kinh doanh xăng chủ động pha methanol hoặc ethanol chất lượng kém vào xăng để thu lợi nhuận là hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều này dễ dàng thực hiện được vì chỉ cần nhập xăng A83 và pha thêm một lượng methanol hoặc ethanol phù hợp thì hoàn toàn có thể nâng độ RON của xăng lên thành xăng A92, 95 để thu lợi nhuận chênh lệch và mức chênh lệch này là rất cao.
Các số liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập được từ tình hình nhập khẩu methanol càng khiến nghi vấn này rõ ràng hơn. Cụ thể, tỷ lệ với số vụ cháy xe tăng cao trong năm 2010 – 2011 thì sản lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2010 (90,3 ngàn tấn) và năm 2011 (80,52 ngàn tấn) cũng tăng cao so với những năm trước (năm 2008: 52,35 ngàn tấn; năm 2009: 66,04 ngàn tấn).
TS Pham Minh Tân cho rằng: “Chưa thể dựa trên lượng methanol tăng để có thể khẳng định hay đoan chắc là lượng methanol tăng này đưa vào xăng hết. Điều này cần tiếp tục nghiên cứu thêm, cần điều tra rõ đường đi của methanol khi nhập khẩu đến khi tiêu thụ. Tuy nhiên, nghi vấn xăng pha methanol tăng cao nên số vụ xe cháy tăng cao mà các nhà khoa học đặt ra là hoàn toàn có cơ sở”.
Bởi theo ông Phan Minh Tân thì khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các cây xăng trên địa bàn TPHCM trong năm 2011 thì tỷ lệ số mẫu xăng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có hàm lượng methanol cao là rất lớn.
Ông Phan Minh Tân cũng khẳng định là nghiên cứu này của TPHCM hoàn toàn không bác bỏ kết luận nguyên nhân cháy xe mà 4 Bộ vừa công bố vào tháng 4. Ông Tân cho biết: “Nghiên cứu của 4 Bộ dựa vào số liệu các xe đã cháy, 65% trường hợp là tìm ra nguyên nhân, 35% chưa tìm ra nguyên nhân. Lấy mẫu xăng của các xe bị cháy đi giám định thì kết quả là xăng đạt chất lượng nên họ kết luận xăng không phải nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe trên là đúng”.
Còn nghiên cứu này của Sở tập trung vào mục tiêu là sử dụng xăng không đúng chất lượng thì tạo nguy cơ thế nào đến việc cháy xe, không dựa vào các vụ việc đã xảy ra cháy. TS Phan Minh Tân cho rằng: “Từ hướng nghiên cứu đó, chúng tôi kết luận sử dụng xăng chất lượng kém, không đảm bảo thì nguy cơ cháy xe tăng lên. Chúng tôi không kết luận là sử dụng xăng kém chất lượng thì xe sẽ cháy”.
TS Huỳnh Quyền khẳng định: “Tất cả các nghiên cứu của chúng tôi đều thực hiện có cơ sở khoa học và thực nghiệm. Xăng kém chất lượng là 1 yếu tố gây ra nguy cơ cháy xe. Nó gây ra vùng nóng cục bộ, tạo điều kiện cho hiện tượng cháy xảy ra; nó làm hỏng thiết bị dẫn nhiên liệu, gây ra rò rỉ nhiên liệu và làm tăng nguy cơ cháy”.