Trên đây là một trong những tình huống hư hỏng tệ nhất mà một người lái xe có thể gặp phải khi đang vận hành xe trên đường. Rất may là xe đang di chuyển trên đường thẳng và vắng, còn nếu sự cố mà xảy ra khi xe đang ôm cua ở tốc độ cao thì có lẽ không ai có thể hình dung được hậu quả sẽ ra sao.
Hệ thống khung gầm của một chiếc xe ô tô (chassis) có hàng chục thứ có thể hỏng bất thường mà nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Thứ tự ở đây là hoàn toàn ngẫu nhiên, chứ không hề phản ánh tần suất hoặc nguy cơ hư hỏng bất thường.
Dây cua-roa
Dây cua-roa nhận lực truyền từ pu-li trục cơ của động cơ, làm nhiệm vụ dẫn động hàng loạt bộ phận khác như máy phát, lốc điều hòa hay bơm trợ lực lái (đối với các dòng xe trợ lực thủy lực). Trên một số mẫu xe sang hay xe thể thao có hệ thống treo điều chỉnh độ cao chủ động, dây cua-roa còn dẫn động hệ thống bơm nâng gầm.
Người sử dụng xe có thể nhận biết sự xuống cấp của dây cua-roa bằng mắt thường khi phát hiện ra các vết nứt vỡ. Dây cua-roa bị thoái hóa chai cứng thường phát ra tiếng kêu rít, đặc biệt là khi mới nổ máy. Tuy nhiên, yếu tố gây hỏng hóc bất ngờ mà người dùng xe cần cảnh giác là bị chuột cắn.
• Lời khuyên của chuyên gia: Nếu không có những sự cố hay tác động xấu bất thường, dây cua-roa cần được thay thế định kỳ sau khoảng 80.000 – 100.000km. Định kỳ khoảng 1 tuần một lần, bạn nên kiểm tra tình trạng của dây cua-roa xem có bị nứt, vỡ để có thể xử lý.
Bình ắc quy
Thường có tuổi thọ từ 3 – 4 năm hoặc hơn tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và bảo dưỡng. Dưới trời nắng nóng, quá trình chuyển hóa và sản sinh năng lượng (điện) bên trong ắc-quy sẽ diễn ra nhanh hơn, nhưng điều đó lại làm giảm tuổi thọ của ắc quy. Ngược lại, trong điều kiện thời tiết lanh, quá trình chuyển hóa diễn ra chậm hơn, nhưng lại làm cho ắc quy sống lâu hơn. Ngoài ra, việc lắp thêm quá nhiều thiết bị điện tử hoặc xe thường xuyên di chuyển cự ly ngắn, khiến phải khởi động và tắt máy liên tục cũng ảnh hưởng tuổi thọ ắc quy.
Những dấu hiệu thường thấy khi ắc-quy yếu (trước khi hỏng hẳn) là điện áp bị sụt, các đèn báo và bảng đồng hồ sẽ tối khi bật chìa khóa và khởi động. Quá trình khởi động không được dứt khoát như trước. Ắc-quy quá yếu sẽ không thể khởi động được động cơ, mà bạn chỉ có thể nghe thấy âm thanh “tạch tạch” phát ra từ hệ thống đề.
• Lời khuyên của chuyên gia: Nếu xe của bạn sử dụng ắc-quy cần bổ sung nước, hãy kiểm tra định kỳ mức nước của ắc-quy và bổ sung kịp thời. Ắc-quy bị cạn nước sẽ hỏng các bản cực và sẽ không thể phục hồi khi đổ nước đầy trở lại. Giải pháp để xử lý tạm thời khi bình ắc-quy hết điện dọc đường là bạn phải dự phòng một bộ dây câu để nhờ xe khác hỗ trợ.
Các vòng bi
Có một số vòng bi phải chịu áp lực rất lớn trong quá trình vận hành xe. Đó là vòng bi của cơ cấu tăng dây cua-roa, vòng bi bộ phận tỳ dây cua-roa, vòng bi đai cam, vòng bi máy phát, vòng bi lốc điều hòa và bi ổ trục bánh xe. Thông thường, các loại vòng bi có thể có tuổi thọ rất lâu, đơn cử như bi ổ trục bánh xe có thể bền bỉ đến 200.000km trong điều kiện sử dụng bình thường (đường sá tốt, không tải nặng, được bảo dưỡng đầy đủ).
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp vòng bi bị hỏng rất sớm mà nguyên nhân có thể là do hở phớt chắn mỡ, khiến mỡ bôi trơn bị hao hụt hoặc bị nước ngấm vào trong. Việc rửa động cơ bằng nước tùy tiện và không đúng quy trình cũng có thể khiến nước chui vào bên trong, làm chết vòng bi.
• Lời khuyên của chuyên gia: Các vòng bi khi đã bị rơ lắc và kêu thì chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc thay thế kịp thời. Vòng bi khô và kêu không chỉ gây ồn, mà còn sinh nhiệt rất mạnh, ảnh hưởng đến quá trình làm mát của động cơ.
Đường ống cung cấp nhiên liệu
Động cơ ô tô không gắn cố định trên bộ khung xe, mà được gối lên các chân cao su (hoặc thủy lực, hoặc khí nén) nên có độ dao động tương đối. Chính vì vậy, đường ống dẫn nhiên liệu từ bình chứa vào đến họng phun được phân chia thành nhiều đoạn với chất liệu khác nhau. Trong khi phần chạy dọc gầm xe được làm bằng kim loại thì đoạn nằm trong khoang máy lại làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp và đây chính là đoạn nhạy cảm.
Trong quá trình sử dụng, đoạn ống dẫn bằng nhựa này có thể bị chuột cắn, các điểm nối có thể bị co ngót và hở, gây rò rỉ, thậm chí là hở lớn.
• Lời khuyên của chuyên gia: Ngay khi phát hiện thấy mùi xăng bất thường (một số dòng xe cao cấp có thể xuất hiện đèn báo lỗi động cơ khi đường ống bị thủng lớn) thì cần tiến hành kiểm tra. Rò rỉ nhiên liệu là một trong những điều kiện gây nguy cơ cháy xe khi gặp tia lửa điện.
Các khớp cử động đa chiều (rô-tuyn)
Trên các dòng xe trang bị hệ thống treo kiểu MacPherson phía trước và thanh chịu xoắn phía sau (thường trên các dòng xe phổ thông loại nhỏ), người sử dụng xe có thể chẳng phải lo lắng về việc này, bởi toàn bộ dàn gầm chỉ có một chi tiết sử dụng khớp cử động đa chiều là thanh cân bằng dọc. Nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác trên các dòng xe trang bị hệ thống treo độc lập ở cả 4 bánh hay hệ thống treo đa liên kết với số rô-tuyn lên tới cả chục chiếc.
Các rô-tuyn được bôi trơn bằng mỡ với một vỏ cao su bao bọc kín bên ngoài. Nhưng điều đáng nói là trong điều kiện đường sá Việt Nam, mức độ cử động của các khớp thường rất lớn, khiến các bọc cao su bảo vệ mỡ rất nhanh bị rách, khiến nước và bụi bẩn bám vào, làm rô-tuyn bị rơ rất nhanh. Rô-tuyn bị rơ sẽ phát ra tiếng kêu lục cục khi xe di chuyển trên đường xấu và mấp mô, thậm chí gây rung động và hỏng các chi tiết khác.
• Lời khuyên của chuyên gia: Cơ cấu rô-tuyn có thể chịu đựng rất tốt trong mọi tình huống vận hành xe trên đường đẹp (ôm cua gấp, phanh gấp), nhưng có thể sẽ bị tổn thương rất nhanh sau một hành trình vất vả trên đường quá gập ghềnh hoặc chỉ vì một hòn đá văng dưới gầm xe.
Cao su chân máy, chân số
Chỉ to bằng nắm nay, nhưng chi tiết này phải chịu đựng rất nhiều áp lực lớn. Chúng không chỉ gánh đỡ toàn bộ trọng lượng của động cơ xe và hộp số, mà còn chịu sự rung lắc khi xe ôm cua hoặc trên đường xóc và nhiệt độ cao của khoang máy.
Khi cao su chân máy hoặc chân số bị chai cứng hay tệ nhất là vỡ, độ rung của động cơ xe sẽ không được hấp thụ mà truyền trực tiếp ra hệ thống khung, khiến cho xe bị rung, đặc biệt là khi đang khởi động, lúc vào số hoặc trên đường xóc.
• Lời khuyên của chuyên gia: Cao su chân máy và chân số cũng nằm trong danh mục bảo dưỡng xe định kỳ mà mỗi người sử dụng xe không thể bỏ qua. Ngay khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường như khoang máy kêu và thân xe rung lúc khởi động thì bạn cần mang xe đến gara tin cậy để kiểm tra và thay thế.
Càng và cao su càng của hệ thống treo
Cao su càng là bộ phận lót các khớp nối giữa càng và hệ thống khung. Trong quá trình vận hành xe trên đường xấu, càng sẽ cử động và chi tiết cao su này sẽ giúp quá trình cử động được êm ái. Với điều kiện đường sá Việt Nam, việc thường xuyên di chuyển trên đường xóc sẽ khiến cao su càng nhanh bị chai, thậm chí vị nứt vỡ.
Bên cạnh đó, các thanh càng của hệ thống treo đa liên kết có ưu điểm là linh hoạt hơn và hấp thụ xóc tốt hơn, nhưng cũng có nhược điểm là thường yếu hơn cơ cấu MacPherson hay cầu cứng, nên rất dễ bị cong và lệch khi bị va chạm với đá hoặc xóc mạnh.
• Lời khuyên của chuyên gia: Với các dòng xe địa hình trang bị cầu cứng với lò xo xoắn và lốp thành cao, bạn có thể thoải mái thử thách tính năng của xe trên những địa hình lởm chởm. Tuy nhiên, nếu là xe gầm thấp, lốp mỏng với hệ thống treo đa liên kết, bạn rất có thể sẽ phải trả giá với một khoản chi phí không nhỏ thay thế bộ càng khi liều lĩnh phi qua một ổ gà lớn hoặc lùa một hòn đá vào gầm ở tốc độ cao.
Giảm chấn trước
Trong quá trình phanh xe, đặc biệt là phanh gấp, hệ thống treo trước phải chịu áp lực tăng lên gấp nhiều lần do trọng lượng của xe dồn lên. Chính vì vậy, giảm chấn trước thường hay hỏng hơn so với giảm chấn sau (rất ít khi hỏng) và chi phí thay thế cũng thường cao hơn.
Khi chỉ một trong hai giảm chấn trước bị hỏng (thường là bị chảy dầu, có thể quan sát thấy bằng mắt thường với dấu hiệu là giảm xóc bị ướt nhoèn), người lái có thể cảm nhận xe không thể hấp thụ được xóc khi qua các gờ giảm tốc hay đường xấu, gây tình trạng xóc nảy. Tốc độ càng cao, hiện tượng xóc nảy một bên càng bộc lộ rõ, thậm chí có thể làm lệch đầu xe.
• Lời khuyên của chuyên gia: Khi một trong hai giảm xóc bị hỏng thì giải pháp tốt nhất là thay mới cả hai bên. Nếu chỉ thay một bên, quá trình hấp thụ xóc sẽ không đều nhau giữa hai bánh xe, vẫn khiến xe mất ổn định khi đi trên đường xấu. Hơn nữa, việc sử dụng hai giảm xóc cũ/mới khác nhau sẽ khiến chiếc cũ hỏng trước, lại thay mới, hai bên lại lệch nhau.
Cảm biến khí thải
Trên nhiều loại xe ôtô được sản xuất khoảng 30 năm trở lại đây, cảm biến khí thải (cảm biến ô-xy) là bộ phận không thể thiếu. Chức năng của nó là cung cấp thông tin cho hệ thống kiểm soát động cơ về nồng độ của khí thải, để từ đó hệ thống kiểm soát bơm nhiên liệu sẽ cung cấp lượng nhiên liệu phù hợp để đốt cháy hiệu quả nhất, giúp xe đạt hiệu suất vận hành tốt nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất, giảm ô nhiễm môi trường.
Nếu không khí vào buồng đốt ít hơn mức cần thiết, xăng sẽ không thể cháy hết và bị thải ra ngoài, còn gọi là hỗn hợp “giàu” xăng, và ngược lại không khí nhiều quá sẽ gây hiện tượng “nghèo” xăng. Thừa xăng sẽ gây ô nhiễm môi trường, còn nghèo xăng sẽ làm giảm tính năng của động cơ và thậm chí có thể làm hỏng động cơ.
• Lời khuyên của chuyên gia: Chất lượng nhiên liệu không tốt (nhiên liệu bẩn, lẫn nhiều tạp chất, không đạt tiêu chuẩn) là một trong những lý do khiến cảm biến khí thải bị hỏng. Khi đó, đèn báo lỗi động cơ sẽ bật sáng, kèm theo đó là mức tiêu hao nhiên liệu có thể sẽ tăng đột biến (có thể tới 30%). Người sử dụng cần mang xe đến các gara tin cậy để kiểm tra xử lý.
Bơm cao áp của hệ thống phun xăng trực tiếp
Với các động cơ sử dụng công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp, nhiên liệu được bơm vào trong buồng đốt qua một hệ thống bơm cao áp. Thông thường, bơm cao áp có độ bền rất cao, nhưng chính yếu tố nhiên liệu là ngọn nguồn khiến cho hệ thống này bị hỏng. Bơm cao áp được làm mát và bôi trơn bằng chính nhiên liệu, nên nhiên liệu bị nhiễm bẩn hoặc khởi động xe trong tình trạng cạn kiệt nhiên liệu sẽ làm bơm bị trầy xước, gây tình trạng hở và giảm áp suất bơm.
• Lời khuyên của chuyên gia: Bơm cao áp bị hỏng hoặc thiếu áp trầm trọng có thể sẽ dẫn đến sự cố không khởi động được động cơ mặc dù điện vẫn khỏe. Trường hợp nhẹ có thể khiến lượng nhiên liệu cung cấp không đủ, gây tình trạng rung giật và yếu. Không có đèn cảnh báo hay tín hiệu nhắc nhở nào báo cho người lái biết rằng bơm cao áp bị hỏng. Chính vì vậy, bạn chỉ còn cách đưa xe đến gara tin cậy để xử lý.
Vòi phun nhiên liệu cực bẩn
Vòi phun sau khi được bảo dưỡng
Tắc vòi phun nhiên liệu
Nhiên liệu trước khi được bơm vào buồng đốt của động cơ xe sẽ phải qua bộ lọc. Tuy nhiên, những cặn bẩn rất nhỏ vẫn có thể lọt qua lưới lọc, bám trên bề mặt của hệ thống cung cấp nhiên liệu, trong đó có vòi phun.
Vòi phun là chi tiết được chế tạo với độ chính xác rất cao, bao gồm các lỗ nhỏ li ti (trong hệ thống phun nhiên liệu đa điểm) để nhiên liệu được phun ra dạng bụi như sương mù và dễ cháy. Cặn bẩn bám ở vòi phun lâu ngày sẽ làm giảm tiết diện của vòi phun, hoặc làm tắc một trong số các lỗ phun, gây hiện tượng nghèo xăng.
• Lời khuyên của chuyên gia: Khi một trong số các vòi phun bị tắc, nhiên liệu sẽ không được cung cấp cho xy-lanh đó, gây hiện tượng bỏ máy, rung giật và xe yếu. Ngoài ra, nếu chỉ một trong số các tia của một vòi bị tắc sẽ gây hiện tượng nghèo xăng, cũng khiến xe bị rung và yếu. Nhiều vòi phun bị tắc có thể không khởi động được động cơ mặc dù hệ thống điện và đánh lửa vẫn hoạt động bình thường.
► PHỤ TÙNG Ô TÔ CHUYÊN NGHIỆP DUK
=====================================
🚕 Xưởng DUK1: Cây xăng số 6 Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
☎ Hotline: 0985 032 553 - 0966 581 941
🚕 Xưởng DUK2 : Số 28 ngõ 161 Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội
☎ Hotline: 0985 489 844 - 0977 280 187 - 0968 460 351
- Chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng!
- Cùng share để nhiều người biết hơn nhé.
RẤT MONG ĐƯỢC PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH !!!