Hầu hết người mới lái chưa quen xe, chưa nắm được các chức năng, tiện ích trong xe, dù xe đó thuộc quyền sở hữu của mình.
Trong số họ nhiều người chưa thuộc số, khi chuyển số không hợp với tốc độ thực tế của xe, nên hay nhìn xuống cần số khi cần thao tác. Chưa có thói quen phải cắt côn ( kịch sàn ), dễ hóc số, hỏng hộp số…Khi nhìn xuống cần số để thao tác đồng nghĩa với phân tâm, việc nhìn đường và đánh giá tình huống bị ảnh hưởng.
Côn, ga, số chưa hợp lý ở một số tình huống dẫn tới thừa ga, vòng tua tăng cao, tiếng máy gào to hoặc lại thiếu ga…Và rất dễ chết máy.
Ở một số tình huống còn thao tác nhầm chân phành thành chân ga hoặc ngược lại, rất dễ gây ra tai nạn ở những trường hợp như vậy.
Chưa có cảm giác tốt về khoảng cách, về tốc độ nên không dứt khoát trong khi vượt hoặc lưỡng lự trong việc xử lý các tình huống khó…, điều này gây trở ngại cho lưu thông, cũng là một tác nhân gây nên ùn ứ cục bộ, gây khó chịu cho những người cùng lưu thông.
Chưa tạo thói quen nhìn gương và phụ thuộc vào gương, nhất là khi chuyển làn, khi quay đầu, thậm chí quên cả xi nhan khi chuyển làn hoặc tín hiệu pha/ cốt/còi làm cho người điều khiển các phương tiện khác khó hiểu hướng di chuyển, nên họ giải toả ức chế bằng cách văng tục !
Cũng vì cảm giác khoảng cách còn yếu, cảm giác nhìn ảnh thật qua gương còn yếu nên khi ghép xe vào nơi đỗ, lùi xe ở những nơi chưa quen địa hình hoặc địa hình phức tạp thường rất lung túng, phải mất nhiều “đỏ” mới thực hiện được. Cá biệt có người không thể thực hiện được việc lùi xe, nhất là khi trời mưa, trời tối, địa hình khó.
Khi đi bình thường hay rà phanh hoặc rà côn, hoặc cả hai. Nhưng khi cần phanh lại hay thừa lực, tức là đạp mạnh quá làm cho xe chúi đầu, giật mạnh,…làm cho phương tiện đi sau rơi vào tình huống bất ngờ. Và bác đi sau lại non và xanh nữa thì "xe điên" cũng là điều khó tránh khỏi.
Hầu hết người mới lái chưa lái được một tay (tay trái loan vành vô lăng, tay phải thao tác cần số), nên phải lái bằng cả hai tay. Và việc lái bằng cả hai tay khiến quên điều khiển cần số những khi bắt buộc phải chuyển số. Những lúc như vậy rất dễ lúng túng và nhầm số, mắt lại phải nhìn xuống và lại phân tâm, lại côn ra, ga vào không hợp lý, hai tay lại xoắn quẩy...Xe số sàn với người có kinh nghiệm chỉ lái một tay, tay kia chỉ hỗ trợ khi phải cua gấp hoặc với địa hình bắt buộc phải lái hai tay, nhưng cũng chỉ là tay hỗ trợ , chứ không phải chia đều lực vận hành vô lăng cho cả hai tay.
Người mới lái mà phải lên dốc, nhất là dốc cong cua, mật độ phương tiện lớn, ùn ứ hoặc tắc, phải nhích từng cm một thì quả là "nỗi kinh hoàng", bản năng co cứng, toát mồ hôi hột, tim đập nhanh… là điều dễ hiểu. Nếu côn ra, ga vào, số má không hợp lý rất dễ trôi xe, rất dễ vù ga húc xe trước, rất dễ chết máy, rất dễ ức chế, càng dễ cuống, càng dễ nhầm lẫn, càng dễ mắc sai lầm...
Về cảm nhận tình huống, tốc độ… người mới lái xe AT và MT cũng như nhau, không khác nhau là mấy. Tuy nhiên với AT một số thao tác đã đơn giản hoá đi rất nhiều. Người lái xe AT không còn phụ thuộc vào côn số, họ được tập trung nhiều cho tay lái mà không bị phân tâm bởi các thao tác tưởng chừng rất đơn giản với người đã lái quen, nhưng lại phức tạp với người mới lái.
Người mới lái MT cần rất nhiều thời gian mới biến thao tác thành phản xạ tự nhiên được. Còn lái AT thời gian này được rút ngắn hơn. Vì vậy ở một số nước, nếu học lái và thi với AT thì chưa được lái MT, ngược lại người học và thi MT khi có bằng thì được lái AT.
Cái cần bàn đến nhất với AT chính là lỗi nhầm chân phanh thành chân ga. Lợi thế của AT so với MT là không có chân côn và tay số, nhưng hạn chế lớn nhất được cho là mất an toàn nhất cũng chính là chân côn và tay số. Vậy, làm thế nào để khác phục nược điểm này?
Trong lúc các nhà khoa học, các kỹ sư chưa đưa ra được phương án khả thi nhằm tăng sự an toàn cho hạn chế này thì người lái xe chỉ còn cách luyện tập thật nhiều để biến thao tác bắt buộc thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên đến vô thức. Một bạn có nói biến thao tác thành phản xạ bản năng sinh tồn. Tôi nghĩ và chắc nhiều người cũng nghĩ nhuần nhuyễn với AT dễ hơn nhuần nhuyễn với MT.
Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 - thế kỷ của công nghệ, chúng ta không đứng ngoài cuộc được. Chúng ta phải chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, phải chấp nhận từ bỏ thói quen cơ học thủ công sang thói quen tự động hoá hoặc bán tự động. Thay đổi thói quen tiêu dùng là đặc tính của kỷ nguyên công nghệ. Chúng ta đã, đang sử dụng rất nhiều sản phẩm thay đổi thói quen tiêu dùng , ai cũng biết và tôi không cần phải lấy ví dụ cụ thể nữa. Tới đây chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều cái thay đổi thói quen hơn thế nữa.
Có bạn sẽ vặn là: Phải bình tĩnh, tập trung khi chưa xảy ra tai nạn chứ ! Khi xảy ra rồi muốn "bình tĩnh" thì đã lên nóc tủ rồi. Vâng, quá đúng! Bình tĩnh, tập trung khi lái xe là quá tốt, điều đó phải là hiển nhiên. Nhưng va chạm không ai muốn và không ai tránh khỏi, ngoài chủ quan nó còn có nguyên nhân khách quan.
Ở đây tôi chỉ xin đề cập tới khi va chạm, ngay từ va chạm đầu tiên hãy bình tĩnh. "Bình tĩnh" viết ra thì rất dễ, thực tế phải thực hiện mới khó. Chúng ta phải tập, phải chuẩn bị trước tình huống giống như tập trận, diễn tập cứu hộ…thôi.
Vậy chúng ta cần lưu ý gì? Khi va chạm xảy ra, tuyệt đối không lái tiếp, cho dù chỉ táp xe vào lề đường cho khỏi ách tắc cũng không nên (tôi không nói đến việc giữ nguyên hiện trường. Một va chạm nhỏ hai bên tự giải quyết được thì không cần thiết phải giữ nguyên hiện trường).
Với người mới lái ít kinh nghiệm, nhất là công chức, khối văn phòng, phụ nữ...ít va chạm, chưa có thói quen đối diện với các loại va chạm kiểu đường phố (tôi chưa tìm được từ thích hợp, ý không phải là cãi nhau, đánh nhau), nên khi va chạm thường "mặt tái, tai run, mồm lắp bắp". Tức là không tỉnh táo, tức là mất bình tĩnh, tim đập nhanh, máu bơm tới não và tứ chi thấp. Lúc này mà tiếp tục lái xe cho dù là táp lề thì cũng rất dễ cuống và nhầm.
Tai hại nhất là nhầm chân phanh thành chân ga. Với AT là kinh hoàng. Thông thường chân nhẹ như lông hồng, bảo buông ga là buông, bảo phanh là phanh. Trên bảo dưới nghe, dưới có ý, trên nghe. Nhưng khi va chạm, cà cuống, mặt tái màu da nhái thì cái chân kia nặng tựa ngàn cân. Thần kinh trung ương bảo nhấc ga, chuyển phanh thì cái chân đấy nó cứ ị ra. Nó tưởng đang đặt lên phanh và cứ thế mà nó đè, nó đạp, xe nó lồng lên và tay lái bắt đầu xoay...
Con AT càn lướt, nó chỉ dừng lại khi bỏ lại đằng sau nhiều đống phế liệu. Vì vậy để tránh hãy không lái, hãy hít thở sâu khoảng chục nhịp, hãy uống nước mát để sẵn trong xe, hay ra khỏi xe có trách nhiệm với va chạm...Cảm thấy ổn mới quay lại xe, kiểm tra lại chìa khoá xem tay có run khi tra vào ổ không, lắc lắc cấn số xem N/P gì chưa. Vuốt mặt, cào tóc, hít thở vài hơi, kiểm tra lại cái chân phanh, sau đó mới xi-nhan, đẩy D rồi mới táp lề hoặc đi tiếp.
Xin lưu ý với xe AT, khi buông ga là xe giảm tốc độ, nhưng có trường hợp buông ga mà không dùng phanh xe vẫn tăng số, ấy là khi xe đang xuống dốc với độ dốc và chiều dài con dốc nhất định. Nên cái chân phanh phải trở thành vô thức hay phản xạ bản năng sinh tồn là rất quan trọng.
Hãy tập luyện cho nó thành thói quen. Muốn bình tĩnh cũng phải tập một môn thể thao thường xuyên mang tính cá nhân đối kháng cao ví dụ như bóng bàn, cầu lông, cờ tướng. Nếu còn trẻ tập võ thuật có thi đấu tính điểm thì quá tốt, nó rèn luyện tinh thần, sự bình tĩnh và phán đoán chứ không phải là đánh nhau.
Nguyễn Phúc Tâm