Sáu điều nên làm nhằm bảo vệ vỏ xe ô tô
Vỏ xe là một trong những bộ phận khá quan trọng, một bộ vỏ xe tốt và được bảo vệ, kiểm tra thường xuyên sẽ giúp các bộ phận khác hoạt động ổn định và không bị hư hại. Thông tin đuợc tổng hợp từ những diễn đàn về ô tô sẽ giúp bạn đọc có thêm kinh nghiệm để xe bạn luôn trong trạng thái vận hành tốt nhất.
Kiểm tra áp suất vỏ xe định kỳ - Ảnh: Automotive

Với 6 cách làm đơn giản dưới đây, bạn có thể tăng tuổi thọ của vỏ xe cũng như bảo vệ vỏ xe của mình khỏi những tác nhân gây hại khác. Chỉ cần bỏ chút thời gian, bạn đã có thể an tâm về khả năng vận hành và có được sự an toàn khi đang lái xe.

1. Kiểm tra áp suất vỏ thường xuyên

Áp suất vỏ là một trong những thông số quan trọng nhất trong quá trình vận hành của vỏ xe. Nếu như không được bơm đúng áp suất, vỏ xe có thể bị mòn nhanh chóng, bị nổ vỏ và ảnh hưởng đến cả mức tiêu hao nhiên liệu. Việc kiểm tra áp suất vỏ tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu không chú ý đến việc này thì vỏ xe sẽ xuống cấp nhanh chóng và bạn cũng sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi đang lái xe.

Vỏ xe được thiết kế để cho một diện tích bề mặt nhất định tiếp xúc với mặt đường. Nếu bơm không đủ áp suất, vỏ xe sẽ chùng xuống, diện tích tiếp xúc lại lấn sang cả phần uống cong giữa mặt ngang và chiều thẳng đứng. Phần uốn cong này chính là phần khung định hình của vỏ, cũng là nơi giao nhau của các lớp bố bên trong. Nếu phần uống cong này ma sát quá lâu với mặt đường sẽ làm biến dạng vỏ xe hoặc gây nổ vỏ.

Hơn nữa, do phần diện tích tiếp xúc với mặt đường lớn hơn bình thường nên lực ma sát tạo ra cũng lớn hơn. Do đó, lực truyền động của xe sẽ không thể chuyển tải theo mức tối ưu xuống mặt đường, đồng thời với việc mức tiêu hao nhiên liệu sẽ tăng lên.

Ngược lại, nếu bạn bơm căng quá mức, áp suất trong bên trong vỏ xe cũng tăng lên. Nếu tiếp tục ma sát trên đường quá lâu hay va đập mạnh do gặp phải địa hình xấu thì vỏ xe sẽ dễ bị nổ, dẫn đến những tình huống nguy hiểm khi đang lái xe.

Để tránh cả hai tình trạng trên, bạn có thể kiểm tra áp suất vỏ thường xuyên. Bạn nên kiểm tra ít nhất một tháng một lần và trước những chuyến đi xa.

Áp suất lốp phù hợp là áp suất mà nhà sản xuất đã ghi rõ trong tài liệu kỹ thuật và dành riêng cho vỏ xe ban đầu hoặc là vỏ xe thay thế cùng loại, cùng kích cỡ. Tuy nhiên, để việc kiểm tra áp suất cho kết quả chính xác thì bạn phải kiểm tra khi vỏ xe đang lạnh, tức là chưa hoạt động trong vòng 3 tiếng đồng hồ và nếu có hoạt động thì chỉ di chuyển với tốc dộ trung bình trong cự ly không quá 1,5km. Khi nhiệt độ tăng lên thì áp suất vỏ xe cũng tăng lên. Điều này lý giải tại sao áp suất vỏ thường tăng lên vào mùa hè và giảm xuống vào mùa đông. Tương tự, nếu vỏ xe đang nóng do đã hoạt động trên một quãng đường dài thì áp suất cũng tăng lên. Bạn không cần phải xả bớt hơi trong trường hợp này vì vỏ xe sẽ tự cân bằng áp suất khi nhiệt độ giảm xuống.

Bạn có thể tự kiểm tra áp suất vỏ với các công cụ đo bán rộng rãi trên thị trường hiện nay. Nhưng nếu cảm thấy không đủ tin cậy thì bạn có thể đưa xe vào hãng hoặc các garage uy tín. Ngoài ra, nếu xe của bạn cần phải thực hiện một chuyến hành trình dài với đầy người và hành lý thì bạn có thể bơm vỏ xe với áp suất cao hơn bình thường. Tuy nhiên, để biết mức áp suất bao nhiêu cho phù hợp thì bạn nên tham khảo ý kiến từ kỹ thuật viên của các hãng xe.

2. Đảo vỏ

Dù 4 chiếc vỏ xe cùng chịu trọng tải của ô tô nhưng độ ma sát của các vỏ xe là không giống nhau. Lý do đầu tiên chính là việc phân bố trọng lượng của xe. Hầu hết các xe ô tô phổ thông hiện nay đều có động cơ đặt trước và rất ít xe có phân bố trọng lượng trước sau 50/50. Do đó, bánh trước thường xe chịu tải trọng lớn hơn.

Thứ hai là việc các bánh trước còn có nhiệm vụ là bánh lái nên sẽ ma sát nhiều hơn với mặt đường. Đó là lý do tại sao những tài xế lâu năm chỉ cần nhìn vào độ mòn của hai mép của vỏ xe trước là có thể đánh giá chủ xe đó có kinh nghiệm hay không. Nếu là một tài xế có kinh nghiệm, đồng nghĩa với việc đánh lái ổn định thì hai mép của vỏ xe sẽ ít mòn. Tương tự với trường hợp ngược lại.

Thứ ba là do quán tính trong quá trình phanh. Khi bạn phanh xe, quán tính của xe sẽ dồn về phía trước. Vậy nên hai bánh trước sẽ chịu lực phanh lớn hơn, đồng nghĩa với việc ma sát nhiều hơn. Thông thường thì hai bánh trước chịu khoảng 70%-80% lực phanh của xe.

Như vậy, trong vòng đời hoạt động của 4 vỏ xe thì sẽ có vỏ mòn nhiều và vỏ mòn ít. Để giảm bớt sự chênh lệch này và bảo đảm có mức mài mòn tương đối giống nhau trong quá trình sử dụng thì bạn phải đảo vỏ. Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc đảo vỏ là đảo vị trí của vỏ mòn nhiều nhất cho vỏ mòn ít nhất. Các nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng đảo vỏ sau khoảng 8.000-10.000 km. Tuy nhiên, mỗi hệ dẫn động có một cách đảo vỏ khác nhau. Bạn nên đưa xe vào hãng để có đầy đủ các công cụ đảo vỏ cũng như được thực hiện bởi các kỹ thuật viên lành nghề.

3. Hạn chế tăng tốc đột ngột và thắng gấp

Ba yếu tố chính làm ảnh hưởng đến lực làm bánh xe quay, cũng như ảnh hưởng đến độ mòn của vỏ xe là trọng lượng, vận tốc xe và độ ma sát lăn. Trong đó, trọng lượng và độ ma sát lăn là những yếu tố gần như không thể thay đổi. Vậy nếu bạn muốn vỏ xe có tuổi thọ lâu hơn thì yếu tố mà bạn có thể thay đổi là vận tốc xe. Vận tốc ở đây gồm gia tốc trong lúc tăng tốc và tốc độ trung bình trên đường. Khi tăng tốc từ vị trí đứng im, nếu xe của bạn tăng tốc với gia tốc vừa phải thì quá trình thắng ma sát để lăn bánh sẽ diễn ra lâu hơn, mức độ mài mòn sẽ ít hơn do lực chuyển động dễ dàng chuyển hết xuống mặt đường. Nhưng nếu bạn đạp ga thật mạnh thì hiện tượng trượt bánh tại chỗ sẽ diễn ra và vỏ xe sẽ ma sát rất mạnh với mặt đường. Tuy nhiên sẽ có một khoảng ngắn thời gian xe không di chuyển, nhưng vỏ xe sẽ bị mòn rất nhiều. Ngoài ra, vỏ xe hoạt động nhiều ở tốc độ càng cao thì sẽ bị mòn nhiều hơn ở vận tốc thấp.

Việc thắng gấp cũng làm cho vỏ xe của bạn mòn đi nhanh chóng vì vỏ xe đang ở vận tốc cao cần có một lực lớn để chuyển từ trạng thái lăn sang trạng thái trượt và cuối cùng là về trạng thái nghỉ. Dù cho được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS đi nữa thì trong một số trường hợp các vỏ xe vẫn bị trượt, nhất là khi mặt đường trơn trượt hay vào cua. Khi đó, bề mặt tiếp xúc khi xe phanh gấp sẽ bị mài mòn nhiều hơn các chổ khác. Hiện tượng này làm cho bề mặt vỏ xe không mòn đều nhau, làm cho quá trình hoạt động của vỏ không còn ổn định. Do đó, nếu không cần thiết và rơi vào tình huống nguy hiểm thì bạn có thể hạn chế việc tăng tốc đột ngột và thắng gấp để bảo vệ vỏ xe.

4. Leo vỉa hè đúng cách và tránh các ổ gà

Khi leo vỉa hè, vỏ xe đầu tiên tiếp xúc vỉa hè sẽ chịu một áp lực rất lớn do phải chịu toàn bộ lực ép của cả xe. Lực ép này bao gồm một phần trọng lượng và lực truyền động dồn lên bánh xe đó. Với một lực ép lớn như vậy, nếu góc tiếp xúc không tạo một độ dốc để xe vượt qua thì vỏ xe đầu tiên này sẽ dễ dàng bị nứt do chịu áp suất quá lớn. Bạn nên leo lên những vỉa hè có độ dốc tương đối, hạn chế tối đa những vỉa hè vuông góc với mặt đường.

Bạn cũng nên tránh đưa xe vượt qua các ổ gà hoặc bề mặt đường xấu nếu không cần thiết. Các miệng ổ gà thường rất sắc nhọn và lởm chởm. Vỏ xe tiếp xúc với bề mặt này sẽ rất dễ bị rách và hư hại, đặc biệt là khi bạn đang phanh xe. Nếu thường xuyên phải chạy trên những bề mặt này, hoặc đi trên các địa hình đồi núi, bạn nên gặp các chuyên gia hoặc kỹ thuật viên để tư vấn về việc thay vỏ chuyên dụng.

5. Canh chỉnh thước lái

Canh chỉnh thước lái sẽ giúp cho bánh xe cân bằng, thẳng trục và phối hợp tốt với hệ thống treo cũng như hệ truyền động. Canh chỉnh thước lái sẽ giúp cho vỏ xe ít bị mài mòn hơn do tạo ra bề mặt tiếp xúc ổn định. Hơn nữa, việc canh chỉnh thước lái giúp cho xe vận hành an toàn hơn và ổn định hơn, đặc biệt là ở tốc độ cao. Nếu có các hiện tượng như bánh xe bị rung giật, bánh lái có xu hướng lệch sang một bên khi chạy thẳng, vị trí các bánh xe bị lệch trục (có thể phát hiện bằng mắt thường)… thì bạn nên mang xe đến các garage uy tín để canh chỉnh lại thước lái. Ngoài ra, sau khi sửa chữa xe mà cần phải tháo các bánh xe và hệ thống treo thì bạn cũng nên yêu cầu các kỹ thuật viên canh chỉnh lại thước lái khi lắp đặt lại.

6. Bơm xe bằng khí nitơ (N2)

Bơm xe bằng khí N2 có 3 ưu điểm rõ rệt so với không khí bình thường. Đó là hạn chế khả năng nổ vỏ, giảm tiêu hao nhiên liệu và sự ổn định về áp suất. Khác với không khí bình thường, N2 là một loại khí trơ nên không có khả năng tự đốt cháy. Khi hoạt động quá lâu hoặc chạy trên bề mặt đường nóng thì sẽ làm cho nhiệt độ vỏ xe tăng lên đột ngột. Nhiệt độ cao sẽ làm cho các chất bộ cao su của vỏ xe dễ bốc cháy trong không khí bình thường. Điều này sẽ khó xảy ra với khí N2. Đó là lý do tại sao mà khí N2 được sử dụng cho các xe đua nhằm hạn chế khả năng cháy nổ vỏ xe khi phải thường xuyên hoạt động ở tốc độ cao.

Thứ hai, do tính chất vật lý đặc thù mà khí N2 truyền dẫn âm thanh kém hơn không khí. Do đó, bơm xe bằng khí N2 sẽ giảm bớt được độ ồn từ mặt đường, mang lại cảm giác êm ái cho người  ngồi trên xe. Thứ ba, do phân tử khí N2 nặng hơn không khí bình thường nên sẽ khó thoát ra ngoài hơn.

Hãng Michelin cho biết một vỏ xe được bơm bằng không khí bình thường sẽ mất áp lực nhanh hơn 3 lần so với vỏ xe bơm bằng khí nitơ. Điều này sẽ giúp cho áp suất vỏ ổn định hơn và bạn cũng không cần tốn thời gian để kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, giá bơm khí N2 hiện nay khá đắt, dao động từ mức 80.000-100.000 đồng cho 4 vỏ xe. Và dù đã trở thành khí bơm e tiêu chuẩn ở Mỹ và châu Âu nhưng khí N2 vẫn còn chưa phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay vẫn chưa có nhiều nơi bơm khí N2 cho khách hàng do yêu cầu cao về các trang thiết bị hiện đại.

Tổng hợp trên internet