Phụ tùng ô tô chợ giời: Chuyện không của riêng ai
Chuyện chợ giời, phụ tùng ô tô “nắng sớm chiều mưa” không phải chuyện hôm nay, nhưng từ khi nào? nhiều người đã thắc mắc, không biết có phải cái chợ giời được hình thành từ khi có nhu cầu mua bán phụ tùng ô tô hay không nữa,.....


Chuyện chợ giời, phụ tùng ô tô “nắng sớm chiều mưa” không phải chuyện hôm nay, nhưng từ khi nào? nhiều người đã thắc mắc, không biết có phải cái chợ giời được hình thành từ khi có nhu cầu mua bán phụ tùng ô tô hay không nữa, chỉ biết nó rất nổi tiếng và cũng lắm tai tiếng.


Chuyện xoay quanh cũng chỉ là mua bán, đồ thật đồ giả, giá ngất ngưởng trên giời, vẫn vậy, chuyện không cũ chẳng mới, không của riêng ai. Chuyện nhỏ vậy mà cứ “tố” lên, người chưa đến chợ sẽ ngạc nhiên và thốt lên như vậy, nhưng nếu đã từng một lần đi chợ giời mua thứ gì đó mới thấm thía được câu “chợ giời có giời mới biết”.


Tôi đã nghe nhiều người than thở “mua phụ tùng ô tô chợ giời như mua sổ số” may mua được phụ tùng tốt, giá đúng. Đúng là chuyện lạ, nhưng mà có thật, nó không những là chuyện của mấy anh tay ngang mà còn là lời than của nhiều cao thủ trong làng ô tô. Chính họ, kinh nghiệm đầy mình thế mà đôi khi cũng vẫn mua phải vé số hạng bét. Để mục sở thị xem thực hư ra sao, tôi đóng vai người đi mua vòng vèo qua các lều chợ đủ kiểu họp chật cứng trên phố Trần Cao Vân, Đồng Nhân, Đỗ Ngọc Du, Yên Bái thấy cơ man vật tư phụ tùng liên quan đến hầu hết các ngành cơ khí, công nghệ… “chổi cùn rế rách” đủ các loại, nhưng chiếm đa số vẫn là phụ tùng thiết bị ô tô. Đúng như câu ví von “chợ giời chẳng thiếu thứ chi, chi rồi mới biết là chi quá nhiều” có thể nói gi gỉ gì gi cái gì chợ giời cũng có.


Sau khi khảo sát, tôi thấy “sức mỏng, tài hèn” của mình khó mà đi vào được ngõ ngách chốn “thâm cung”. Tôi đã mời một anh bạn là chuyên gia ô tô có tiếng đi kèm, anh ấy đã từng kinh qua nhiều hãng xe, bây giờ cũng có trong tay một xưởng bảo dưỡng sửa chữa ô tô vào hàng có uy tín thế nhưng trước trùng trùng điệp điệp đủ thứ hàng hóa anh ấy cũng chỉ dám kết luận, “mình là dân chuyên nghiệp, nghề ngỗng có thể nói có đai có đẳng nhưng để phân kim thật giả cũng không phải là chuyện dễ” rồi anh ấy kéo tôi đi đến một cửa hàng bán phụ tùng để kiểm chứng.


Anh bạn tôi và chủ cửa hàng đều là dân ô tô lên có biết nhau, không rào trước đón sau gì, khi hỏi bộ má phanh trước Toyota Corolla đời 1998, chủ cửa hàng mang ngay ra một bộ. Anh bạn tôi hỏi, loại này chất lượng thế nào thì chủ cửa hàng thủng thẳng; đây là bộ giả xịn loại tốt giá 250 nghìn, còn loại giả xịn kém hơn 180 nghìn. Tôi chỉ mới nghe nói có hàng “xịn” và hàng giả chứ đứng trước món hàng giả của giả thì đúng là mắt chữ A mồm chữ O, nếu là tôi thì khi nhìn thì thấy bao bì mầu đỏ chữ Toyota chạy đều chéo rất đẹp, má phanh mượt mà đen bóng chắc chắn mua phải đồ “xịn” là cái chắc. Anh bạn kéo tôi ra ngoài cho biết, người đi mua không chuyên nghiệp thì sẽ bị tiền thật đồ giả như chơi còn thợ thuyền thì nếu là mối quen mua thường xuyên thì họ sẽ nói đúng chủng loại, chỉ trừ khi chính người bán cũng không biết mình có loại gì.


Hậu thuẫn cho sự “thật giả” cũng có nhiều căn nguyên, nhưng phần nhiều do hiện nay rất nhiều xưởng, gara do mục tiêu lãi nhiều mới là chủ yếu nên họ nhắm mắt làm ngơ lắp đồ dởm báo đồ thật. Chính sự mập mờ này của các gara gây ra phản ứng dây chuyền, nó làm tác nhân để tăng cầu và để “đáp cầu” thì sẽ phải có nguồn cung.


Tôi đặt câu hỏi, phụ tùng hiện nay trên thị trường chỉ có phụ tùng chính hãng, phụ tùng giả hay còn loại nào khác không? Anh ấy cười lớn rồi bảo, không phải vậy đâu cậu em ơi, phụ tùng ở ta thì đa chủng loại, đa chất lượng. Anh ấy kể một lô, phụ tùng trên thị trường có phụ tùng chính hãng (original part), phụ tùng thay thế (OEM), phụ tùng do những nhà máy độc lập sản xuất theo mẫu mã của nhà sản xuất (OE), phụ tùng nhái, mà vừa rồi em thấy đấy nhái lại có nhái loại 1, nhái loại 2… rồi phụ tùng cũ (second-hand), phụ tùng phục hồi (rebuilt) thực chất là phụ tùng đã hỏng được chế tác gia công lại. Phụ tùng “tin” được thì phải biết người bán có nguồn hàng thế nào, bởi nếu đứng ra nhập khẩu trực tiếp phụ tùng phải là những công ty rất chuyên nghiệp, họ phải được đào tạo và hỗ trợ tài liệu rất tốt còn đa số là hàng không rõ xuất xứ, chứ nếu phụ tùng thay thế nguồn hàng đúng của nhà sản xuất thì chất lượng vẫn đảm bảo, ví dụ như phụ tùng ba số “555” ngày trước rất tốt, bây giờ thì rất tệ bởi chính nó cũng đã bị nhái. Tuy nhiên hàng nhái phổ biến là hàng chính hãng, mẫu mã y chang nên xưởng mua về cứ việc thu tiền như hàng “xịn”.


Tôi hỏi tiếp, phụ tùng nhái thì có giới hạn ở nhóm hay bộ phận nào không? anh cho biết, theo lý thuyết thì họ có thể làm nhái bất kỳ chi tiết nào, tuy nhiên những nhà làm hàng nhái cũng rất biết là làm cái gì để có thể tiêu thụ được nhanh, nhiều. Do vậy phụ tùng nhái thường tập trung vào những mặt hàng hay thay thế, lắp đặt ở các vị trí kín đáo, khó phát hiện có giá trị cao như: phụ tùng thân vỏ (sơn thì ai biết đồ nào?), những phụ tùng hay thay thế như: lọc dầu, bu gi, má phanh, vòng bi. Phụ tùng khó phân biệt như: kính, đèn… lắp vào khó phát hiện như phụ tùng máy, gầm, phụ tùng máy lạnh…Kinh nghiệm cho thấy, phụ tùng nào hay thay thế, giá trị cao thì hàng nhái hàng giả sẽ phổ biến.


Nếu muốn phân biệt thì làm thế nào? Tôi hỏi, anh nhíu mày rồi chậm rãi trả lời, nói chung là rất khó. Người không chuyên đi mua thì có thể nói là không thể phân biệt được, thậm chí một số xưởng họ không có thông tin hoặc ít tiếp xúc với các sản phẩm của chính hãng cũng còn khó phân biệt được. Cách phân biệt là phải có sự so sánh (phải có kiến thức chuyên môn, tài liệu và kinh nghiệm), thường các hàng giả, bao bì mẫu mã, mã phụ tùng, mã vạch và hình dáng phụ tùng cứ như là cùng một lò. Nhưng đối với người có kinh nghiệm thì sẽ phân biệt thông qua các nhận dạng từ ngoài vào trong như vỏ hộp của phụ tùng giả thường hay bị nhoè, màu sắc mờ nhạt hơn. Còn vỏ hộp chính hãng ví dụ vỏ hộp chính hãng Toyota đỏ đậm, màu đều, chữ sắc nét không nhoè, tem dán đúng vị trí và rất chắc, mã phụ tùng và mã vạch rất rõ ràng. Khi cầm phụ tùng (so sánh với phụ tùng chính hãng) sẽ thấy, các góc cạnh phụ tùng   rông tự nhiên, ngay cả những chỗ thô ráp cũng nhận ra sự khác nhau, một đằng là thô ráp tự nhiên, một đằng là thô ráp được tạo ra nên trông có thể đẹp hơn đấy nhưng không tự nhiên, hoặc như đồ mạ nhìn thấy rất bóng đẹp nhưng không sâu và hay có lỗi ở mép viền, hay như những phụ tùng có ren bắt sẽ thấy đường ren có vết vấp của dao và không bóng đều…nếu tiếp xúc nhiều và có điều kiện để hai phụ tùng so sánh trực tiếp sẽ rất dễ phân biệt đâu là giả, đâu là thật.




Theo anh ấy thì người sử dụng không nên bận tâm vào việc này bởi cũng không nhiều người tự đi mua đồ cho xe, hoặc nếu mua một lần thì chắc là không có lần hai nên tốt nhất là tìm cho mình một địa chỉ tin cậy và cũng không nên ham rẻ. Xưởng có uy tín thì người ta sẽ có trách nhiệm làm việc đó, những xưởng như vậy họ có chiến lược nên sẽ không đánh đổi uy tín bằng khoản lợi nhuận cao.


Vẫn chưa hết băn khoăn, muốn tìm hiểu thêm nên hôm sau tôi một mình tìm đến một vài cửa hàng và trung tâm bán phụ tùng, tôi cũng hỏi và như biết tôi là dân “hay chuyện” nên các cửa hàng không mặn mà tiếp chuyện. Đến một cửa hàng thấy chị chủ có vẻ thân thiện nên tôi thú thật là đang muốn tìm hiểu về thị trường phụ tùng để viết luận văn về “thực trạng thị trường phụ tùng ô tô”, chị nheo mắt hỏi tôi: Thật không đấy? Tôi gật đầu và được chị cho biết.


Gia đình chị buôn bán phụ tùng ở đây từ hồi bắt đầu có những sạp hàng đầu tiên, ngày đó buôn bán sướng lắm, nguồn hàng thì cứ vào các kho mua thanh lý, phụ tùng mua lọc từ các bãi phế thải rồi sau đó khi nhu cầu nhiều thì nhờ người nhà đánh hàng từ Nga về. Hàng hoá thời đó cũng khác, do chủng loại xe ít nên xe gì nhà chị cũng có sẵn phụ tùng, chứ bây giờ một cửa hàng chỉ dám kinh doanh một vài loại xe hoặc một nhóm hàng nào đó. Như nhà chị hiện nay cũng chỉ chuyên phụ tùng máy gầm của Toyota, nhớ lại thời đó đúng là như mơ. Cho dù người mua cũng nhiều lên, xe cũng nhiều lên, hàng hoá đa dạng và loại gì cũng có, ấy vậy mà bán cũng đâu có dễ. Chính vì giá cả chất lượng không biết đằng nào mà lần, hơn nữa người mua thì cứ rẻ là mua cho nên chị cũng phải theo trào lưu chung, chứ không thì khó bán lắm.


Hàng tốt không phải là không có, nhưng giá có khi gấp mấy lần. Theo kinh nghiệm của chị thì tiền nào của nấy. Bán hàng tốt thì người bán cũng yên tâm, người mua (xưởng) lãi ít hơn nhưng uy tín sẽ tốt và được lợi là người sử dụng vì tiền họ bỏ ra được sử dụng đúng. Theo chị thì với các loại xe hiện đại và phức tạp như hiện nay thì tốt nhất là người sử dụng không nên đi mua phụ tùng bởi, không thể tự thay và không thể phân biệt được đâu là thật giả.


Ý kiến chuyên gia

http://www.caronline.com.vn//userfiles/assets/a0826_td_chogioi4.jpg

Theo Ông Dương Tiến Thành – Giám đốc phụ tùng ASC GP cho biết, thị trường sửa chữa ô tô phân làm hai nhóm chính:

- Nhóm uy tín (chất lượng), là những công ty có truyền thống, tổ chức tốt. Nhân lực đào tạo bài bản và nguyên liệu “phụ tùng, vật liệu…” dùng cho xưởng phải đúng quy cách xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị này mua chủ yếu ở các công ty cung cấp phụ tùng có uy tín.


- Nhóm còn lại là những xưởng thường không có tính lâu dài, tổ chức không chuyên nghiệp hoặc họ chỉ làm kiểu “kinh doanh quan hệ”. Mối của họ là khách hàng “gián tiếp” hay những xe chất lượng thấp, nhóm này thì cứ rẻ là ok. Dĩ nhiên nguồn phụ tùng của họ chủ yếu mua ở chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ.


Theo Autoworld

Theo Ông Dương Tiến Thành – Giám đốc phụ tùng ASC GP cho biết, thị trường sửa chữa ô tô phân làm hai nhóm chính:

- Nhóm uy tín (chất lượng), là những công ty có truyền thống, tổ chức tốt. Nhân lực đào tạo bài bản và nguyên liệu “phụ tùng, vật liệu…” dùng cho xưởng phải đúng quy cách xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị này mua chủ yếu ở các công ty cung cấp phụ tùng có uy tín.


- Nhóm còn lại là những xưởng thường không có tính lâu dài, tổ chức không chuyên nghiệp hoặc họ chỉ làm kiểu “kinh doanh quan hệ”. Mối của họ là khách hàng “gián tiếp” hay những xe chất lượng thấp, nhóm này thì cứ rẻ là ok. Dĩ nhiên nguồn phụ tùng của họ chủ yếu mua ở chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ.