Theo Phó thủ tướng, hiện tỷ lệ xử phạt "nguội" - phạt qua camera ở các tỉnh, thành khá thấp. Trong năm nay, các địa phương cần tăng cường sử dụng camera để giảm bớt công việc của cảnh sát giao thông, đồng thời hạn chế tiêu cực. "Nếu xe không sang tên đổi chủ thì giấy phạt cứ gửi về, người bán xe phải chịu phạt. Đây là biện pháp giáo dục hiệu quả", Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các thành phố lớn có biện pháp hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện công cộng. Theo thống kê, 85% số vụ tai nạn liên quan đến xe máy. Ngoài ra, các địa phương phải rà soát lại cơ sở hạ tầng và gắn với quy hoạch kinh tế xã hội. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, các thành phố lớn phải làm tốt khâu quy hoạch giao thông vận tải, phát triển vận tải công cộng, kiểm soát gia tăng của phương tiện cá nhân và dân cư. Hiện nay TP HCM có mức tăng dân cư gấp 3 lần so với bình quân cả nước, Hà Nội gấp 2 lần. Với mức tăng dân cư như vậy thì khó có thể phát triển kịp hạ tầng. Bộ trưởng cũng đồng tình với các đề xuất của TP HCM như thu phí phương tiện đi vào nội đô, bởi xe cơ giới sẽ gây ách tắc trong nội thành. Việc nộp phí đóng góp vào xây dưng hạ tầng và người sử dụng có thể lựa chọn phương tiện hợp lý. Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP HCM, thành phố ngày càng quá tải hạ tầng đô thị bởi sức ép dân số tăng, hiện nay cả dân vãng lai đến thành phố là 9 triệu người mỗi ngày và có gần 5 triệu phương tiện. TP HCM đã thực hiện các biện pháp như phát triển tàu điện, di dời các trường học ra bên ngoài.