ĐỘ ĐÈN CHO Ô TÔ – THÚ CHƠI NGUY HIỂM
Việc tự ý độ đèn cho ô tô – thú chơi nguy hiểm không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đối với người điều khiển xe và người tham gia giao thông mà còn cả nguy cơ cháy nổ.

Nhiều người muốn chiếc xe của mình độc đáo hơn để thể hiện phong cách, đã lắp thêm những bộ đèn trợ sáng. Các đèn xe này cho lượng sáng gấp nhiều lần so với đèn thông thường. Anh Trần Duy (chủ tiệm chuyên độ đèn ô tô) cho biết: "Đối với việc lắp thêm trợ sáng cho xe ô tô thì có nhiều giải pháp tùy vào nhu cầu của người dùng và giá tiền."

 ĐỘ ĐÈN CHO Ô TÔ – THÚ CHƠI NGUY HIỂM

Việc độ đèn cho ô tô tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Theo anh Duy, đối với giải pháp hay bóng tăng sáng, đây là giải pháp đơn giản nhất, chi phí cũng thấp nhất, chỉ việc thay bóng halogen nguyên bản bằng bóng tăng sáng, độ sáng tăng khoảng 120-130% so với ánh sáng nguyên bản. Nếu lắp bóng lumiled cho đèn pha thì thời gian gần đây trên thị trường mới xuất hiện bóng đèn led lắp thay thế cho bóng pha, cos các chân bóng thông dụng như H1, H4, H7, H11,…lắp đặt nhanh, độ chụm ánh sáng tốt, cường độ sáng mạnh hơn bóng nguyên bản và không phải đục khoét.

Còn nếu lắp bóng xenon, độ sáng tăng khoảng 250-300% so với bóng halogen nguyên bản, có thể lựa chọn được màu ánh sáng. Ngoài ra, trong trường hợp độ bi-xenon, độ sáng tăng lên gấp nhiều lần so với đèn nguyên bản (khoảng 1000%). Các bi-xenon có cả chế độ pha cos nên nếu độ vào bên cos thì khi bật pha xe sẽ có 4 đèn pha sáng cùng 1 lúc (2 đèn pha nguyên bản + 2 đèn pha của bi-xenon), nếu độ vào bên pha thì khi bật cos sẽ có 4 đèn cos sáng cùng 1 lúc (2 đèn cos nguyên bản + 2 đèn cos của bi-xenon).

Việc độ đèn sẽ gây ánh sáng mạnh, nên các xe chạy đối diện rất khó quan sát, dễ dẫn đến TNGT.  Ngoài ra, việc lắp thêm đèn trợ sáng sẽ gây nguy cơ cháy nổ cho xe. Kỹ thuật viên về ô tô Phạm Quốc Hảo phân tích: "Việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô tô gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì lượng sáng rất mạnh, dễ làm chói mắt người đối diện. Hiện nay, có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ rằng, chất lượng thấp sẽ mất an toàn cho xe. Ngoài ra, còn có trường hợp sai công suất, và không đúng chuẩn với chóa đèn của xe sẽ gây ra hỏng hóc lớn cho bộ phận điện xe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao".

Theo quy định của luật giao thông đường bộ, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu vi phạm thì cá nhân sẽ bị phạt tiền đến 1.000.000 đồng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.